Theo thống kê của BKAV thực hiện vào tháng 4/2013, thiệt hại do virus máy tính tại Việt Nam vẫn ở mức cao. Trong 12 tháng qua, người sử dụng đã phải chịu tổn thất lên đến gần 8.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, sự quan tâm cũng như việc đầu tư cho công tác bảo đảm an toàn thông tin hiện nay tại nhiều doanh nghiệp và với một số cá nhân vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Một trong những nguyên nhân dẫn đến mất an toàn hệ thống là do sử dụng phần mềm không bản quyền hoặc sử dụng phần mềm có bản quyền nhưng không nâng cấp đúng thời hạn. Hiện nay, theo ước tính tại Việt Nam có hơn 90% người dùng cá nhân và doanh nghiệp sử dụng phần mềm và hệ điều hành của Microsoft. Hãng này đã đưa ra nhiều lựa chọn trong chính sách cấp phép phần mềm. Dưới đây, Website Bộ Thông tin và Truyền thông xin giới thiệu các hình thức cấp phép để độc giả có thêm thông tin giúp thuận tiện trong lựa chọn đảm bảo phù hợp với nhu cầu sử dụng với chi phí hợp lý.
Tại thị trường Việt Nam, phần mềm và hệ điều hành của Microsoft và Oracle là hai thương hiệu được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Tuy nhiên, chính sách và các hình thức cấp phép bản quyền của các hãng nước ngoài được coi là khá phức tạp, không phải công việc dành cho những người “nghiệp dư”. Các hãng phần mềm hiện có nhiều hình thức cấp phép khác nhau tùy thuộc từng dòng sản phẩm khác biệt hay theo các chương trình cấp phép khác nhau. Các doanh nghiệp nhỏ, ít máy chủ, máy trạm và các doanh nghiệp lớn với hệ thống chi nhánh phân bổ khắp nơi trong cả nước đang trên đường tìm đến ảo hóa… có thể tìm đến những giải pháp cấp phép khác nhau sao cho hiệu quả và có lợi nhất về mặt chi phí.
Sau đây là những tư vấn về các hình thức cấp phép bản quyền phần mềm của các chuyên gia đến từ Micrsoft, hãng phần mềm máy tính của Mỹ với phần mềm Window nổi tiếng. I. Đối với dòng sản phẩm Windows Server, System Center và SQL:
1. Sự giống nhau và khác nhau giữa Windows Server/System Center Standard và Windows Server/System Datacenter:
– Với dòng sản phẩm này, Microsoft không cung cấp giá đầu cuối bởi có rất nhiều các tham số liên quan đến việc triển khai, giải pháp, được quyết định bởi các nhà phân phối chính hãng được Microsoft ủy quyền tại Việt Nam.
– Trong năm 2013, khi phiên bản mới Windows Server và System Center 2012 được đưa ra thị trường, việc cấp phép cho 2 giải pháp mới này thay đổi đột phá theo xu hướng đơn giản hóa và tối ưu hóa.
– Với Windows Server 2012 và System Center 2012, đơn giản hóa chỉ còn 2 phiên bản: Standard và Datacenter. Microsoft đã gộp các phiên bản rời cũ trước đây (SC operations Manager, SC Configuration Manager, Data Protection Manager, Service Manager, Virtual Machine Manager, Enpoint Protection, Orchestrator) và đưa thêm tính năng mới App Controller vào 2 phiên bản duy nhất: System Center Standard và System Center Datacenter. Khách hàng chỉ cần đưa ra lựa chọn giữa 2 phiên bản hoàn toàn dựa trên nhu cầu ảo hóa bởi 2 phiên bản đã có tính năng y hệt nhau.
Giống nhau – Windows Server Standard và Windows Server Datacenter sử dụng cùng cơ sở mã nguồn và có tính năng y hệt nhau. – Phiên bản System Center Standard và System Center Datacenter có tính năng y hệt nhau. | Khác nhau (chỉ ở quyền ảo hóa) – Phiên bản Windows Server 2012 Standard/System Center 2012 Standard cấp phép cho khách hàng sử dụng trên 2 CPU vật lý trên server và chạy 2 máy ảo. – Phiên bản Windows Server 2012 Datacenter/System Center 2012 Datacenter cho phép khách hàng sử dụng/quản lý 2 CPU vật lý trên server và vô số máy ảo (dành cho khách hàng có nhu cầu ảo hóa cao |
2. Cấp phép theo Processor và CAL
– Với Windows Server 2012 và System Center 2012, Microsoft đã chuyển hình thức cấp phép theo processor. Mỗi license được tính cho 2 processor/CPU vật lý.
– Với người sử dụng, Microsoft giữ nguyên chính sách cấp phép quyền truy cập (Client Access License) tính theo người dùng (user) hoặc thiết bị (device). Khách hàng cũng có thể mua license cấp phép cho người truy cập ngoài công ty (External Connector License)
– Việc chỉ có một hình thức cấp phép duy nhất giúp tối giản hóa thời gian khách hàng cần dùng để quản lý bản quyền phần mềm, giúp doanh nghiệp dễ dàng làm quen và cải thiện khả năng quản lý.
3. Hãy dùng Enrollment for Core Infrastructure nếu doanh nghiệp sử dụng trên 25 giấy phép bộ sản phẩm Windows Server và System Center
– Hợp đồng Enrollment for Core Infrastructure (ECI) là chương trình cấp phép đặc biệt giúp khách hàng dễ dàng tiếp cận với giải pháp đám mây riêng của Microsoft bằng sản phẩm Windows Server và System Center. Bao gồm 2 gói: ECI Standard (gồm 1 license Windows Server Standard và 1 license System Center Standard) và ECI Datacenter (gồm 1 license Windows Server Standard và 1 license System Center Standard).
– Điều kiện sử dụng: Chương trình áp dụng cho khách hàng có nhu cầu sử dụng trên 25 licenses Windows Server và System Center.
– Ưu điểm:
+ Doanh nghiệp chỉ cần đếm số processors và dựa trên nhu cầu ảo hóa để lựa chọn 1 trong 2 gói sản phẩm.
+ Gói ECI có giá rẻ hơn 20% giá thường của phiên bản Windows Server và System Center cộng lại trong hình thức hợp đồng doanh nghiệp (Enterprsie Agreement).
+ Doanh nghiệp được hưởng các lợi ích của gói bảo hiểm phần mềm (Software Assurance) ví dụ nâng cấp miễn phí lên phiên bản mới, hỗ trợ 24×7, dịch vụ hoạch định …
4. Đối với sản Phẩm SQL
Microsoft SQL Server 2012 cung cấp hơn 170 tính năng mới, giúp doanh nghiệp tận dụng những công nghệ mới nhất về ảo hóa cơ sở dữ liệu và điện toán đám mây. SQL Server 2012 mang tới những đổi mới về hiệu năng, khả năng cung cấp trí tuệ doanh nghiệp (Business Intelligence) và hỗ trợ các môi trường chuyển đổi tốt nhất để dịch chuyển lên biện pháp đám mây với SQL Azure.
SQL dành cho các doanh nghiệp và tổ chức lớn có 3 phiên bản chính:
– Enterprise Edition.
– Business Intelligence (BI) Edition.
– Standard Edition.
Phiên bản SQL Server 2008 R2 | Phiên bản SQL Server 2012 (mới)(2 phiên bản SQL Standard và SQL Business Intelligence) |
-Được cấp phép theo 2 hình thức chính: + Cấp phép theo số lượng vi xử lý (processor) + Cấp phép theo Server + CAL (giấy phép truy cập). | + Cấp phép theo Server + CAL cho người dùng (user) hoặc thiết bị (device)Ưu điểm: dành cho các doanh nghiệp và tổ chức muốn cấp phép theo từng người dùng hoặc thiết bị và là hình thức ít tốn kém+ Cấp phép theo Core (thay vì theo số lượng processors) cho phiên bản SQL Standard và SQL Enterprise.Ưu điểm: dành cho các tổ chức lớn không thể đếm số người hay thiết bị truy cập và cần sử dụng các tính năng cao cấp nhất,Điều kiện: Mỗi cấp phép (license) cho phép chạy SQL trên 2-Cores vật lý hoặc 2-Cores cho máy ảo và cần mua bản quyền ít nhất cho 4-Cores. |
5. Chọn bản quyền cài đặt sẵn với phần cứng hay hình thức cấp phép số lượng lớn (volume licensing)
Bản quyền cài đặt sẵn với phần cứng | Hình thức cấp phép số lượng lớn |
– Đối tượng sử dụng: khách hàng mua máy trạm (desktop/PC)– Ưu điểm: giá rẻ nhất (giúp tiết kiếm chi phí trong bước đầu triển khai giải phap của Microsoft), nâng cấp dễ dàng.– Nhược điểm: cấp phép này đi kèm với phần cứng của máy và không thể chuyển đổi sang các máy tính vật lý khác; Hầu hết các phiên bản cao cấp của phần mềm Microsoft đều không cung cấp chế độ cài đặt sẵn với phần cứng.– Lưu ý: Với Windows Server, khách hàng chỉ có thể mua cấp phép cài đặt sẵn cho 2 phiên bản cơ bản nhất là Windows Server Essential và Windows Server Foundation. Hai phiên bản này không thể sử dụng trong môi trường ảo hóa cao vì sự hạn chế tính năng. | – Microsoft cung cấp hầu hết các phiên bản sản phẩm cao cấp qua hình thức cấp phép số lượng lớn – Volume Licensing (ví dụ Windows 8 Enterprise).– Đối tượng sử dụng: Doanh nghiệp, tổ chức có từ 5 máy cho đến 250 máy– Ưu điểm: Khi sử dụng hình thức cấp phép này, khách hàng còn có nhiều lợi ích khác như: khả năng mua gói bảo hiểm phần mềm để được hỗ trợ, nâng cấp miễn phí, thanh toán nhiều lần. |
6. Lời khuyên dành cho các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp có trên 250 máy trạm
Với các cơ quan nhà nước lớn hoặc các doanh nghiệp có trên 250 máy trạm, Microsoft khuyến cáo khách hàng mua theo dạng hợp đồng thoả thuận doanh nghiệp (Enterprise Agreement -EA) với mức giá ưu đãi và bảo vệ giá trong suốt thời hạn hợp đồng. Hợp đồng EA có thời hạn 3 năm, phù hợp với khách hàng muốn chuẩn hóa hệ thống với giải pháp của Microsoft. Và trong hình thức này, dù thay đổi máy tính, khách hàng cũng vẫn có thể cài đặt lại bản quyền cho toàn bộ số lượng máy tính đã bản quyền hóa của doanh nghiệp.
Trong 3 năm đầu, khách hàng cần thanh toán phần bản quyền và gói bảo hiểm phần mềm (Software Assurance- SA) của sản phẩm trong hợp đồng trong 3 năm (L + 3SA). Khách hàng được trả chậm từng năm giúp giảm nhẹ gánh nặng tài chính (L/3 + 1 năm SA mỗi năm). Gói bảo hiểm phần mềm cung cấp cho khách hàng rất nhiều lợi ích đặc biệt như: Nâng cấp miễn phí lên phiên bản mới nhất, hỗ trợ 24×7, dịch vụ hoạch định bằng đội services của Microsoft hoặc đối tác được Microsoft ủy quyền, quyền sử dụng môi trường ảo hóa với máy trạm (Virtual Desktop Infrastructure) …
Sau 3 năm, khách hàng sở hữu vĩnh viễn bản quyền phần mềm và chỉ cần ra hạn hợp đồng bằng cách mua gói Bảo hiểm phần mềm (Software Assurance) cho 3 năm tiếp theo. Giá của gói SA bằng khoảng 27%-30% chi phí bản quyền (L).
Theo Mic.gov.vn
0 Lời bình