Vua Cảnh Công nước Tề có con ngựa quý, giao cho một người chăn nuôi. Một hôm con ngựa tự nhiên lăn ra chết. Vua giận lắm, cho là người ấy giết ngựa nên sai đem phanh thây. Triều đình bao người can gián, vua đều không nghe. Án Tử, vốn chỉ là một viên quan nhỏ đang ngồi chầu, thấy thế, liền ngăn lại: “Tên này chưa biết rõ tội gì mà phải chịu chết thì vẫn tưởng là oan. Thần xin vì bệ hạ kể rõ tội nó, rồi hãy xử phạt cũng chưa muộn.”
Vua nói: “Được.”
Án Tử bèn kể tội người chăn ngựa: “Nhà ngươi có ba tội đáng chết. Vua sai nuôi ngựa mà để ngựa chết, là một tội đáng chết. Lại để chết con ngựa rất quý của vua, là hai tội đáng chết. Để vua mang tiếng, vì một con ngựa mà giết một mạng người, làm cho trăm họ nghe thấy ai cũng oán vua, các nước nghe thấy ai cũng khinh vua, ngươi làm chết một con ngựa mà để đến nỗi dân gian đem lòng oán giận, nước ngoài có bụng dòm dỏ, là ba tội đáng chết, ngươi đã biết chưa? Bây giờ hãy tạm giam ngươi vào ngục…”
Cảnh Công nghe nói ngậm ngùi than: “Thôi, tha cho nó kẻo ta mang tiếng bất nhân.”
Trong cuộc sống, để đạt được mục đích cuối cùng, nhiều khi phải linh hoạt, lấy lùi làm tiến!
0 Lời bình