Tại sao một số người dễ bị trầm cảm hơn?

Comments

Tại sao một số người lại dễ bị trầm cảm hơn so với người khác – ngay cả khi trong cùng một hoàn cảnh tương tự nhau? Tìm ra nguyên nhân khiến một người dễ bị trầm cảm vẫn là một trong những câu hỏi thường trực đối với các nhà nghiên cứu và các chuyên gia về sức khỏe tâm thần.

Tuy các nhà nghiên cứu chưa có câu trả lời chính xác về lý do tại sao một số người lại dễ trầm cảm hơn những người khác, nhưng có khả năng có nhiều hơn một yếu tố gây ra vấn đề này. Nghiên cứu tổng hợp trên nhiều phương diện, từ sự khác biệt về thể chất và các chất hóa học trong não đến các yếu tố nguy cơ xã hội và môi trường.

Sự phức tạp của bệnh trầm cảm là một trong những nguyên nhân làm căn bệnh này trở nên vô cùng khó khăn để chẩn đoán và điều trị. Nắm rõ những gì có thể làm cho một người có khả năng bị trầm cảm là bước đầu tiên trong việc phát triển các chiến lược phòng ngừa và lên phương án điều trị phù hợp, việc này rất quan trọng để góp phần giảm bớt sự dễ tổn thương cá nhân của người mắc bệnh.

Nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, ước tính có hơn 300 triệu người trên toàn thế giới sống chung với trầm cảm. 

Có một số yếu tố như di truyền học, là vấn đề không kiểm soát được. Tuy nhiên, ở những người khác, ví như chế độ ăn uống là nguyên nhân gây bệnh thì vấn đề này có thể được sửa đổi. Mặc dù việc thực hiện thay đổi này không chắc chắn ngăn ngừa được trầm cảm nhưng nó có thể giúp bạn giảm một phần nguy cơ. 

Cho dù bạn có thay đổi được nguyên nhân hay không, việc nhận thức được các yếu tố có thể có khả năng bị trầm cảm rất hữu ích. Bạn hãy nhớ rằng các nhà nguyên cứu vẫn đang cố gắng tìm ra vai trò của từng yếu tố. Nếu bạn có một hay thậm chí là vài yếu tố được cho là góp phần gây ra bệnh trầm cảm không có nghĩa là bạn chắc chắn sẽ bị trầm cảm.

Yếu tố sinh học

Một số nguy cơ bị trầm cảm bắt nguồn từ yếu tố sinh học.

CHẤT HÓA HỌC TRONG NÃO

Các nhà khoa học hiện nay chưa xác minh chính xác hóa chất não liên quan đến trầm cảm như thế nào, nhưng mối liên hệ này đã được thảo luận trong nhiều thập kỷ. Một số lý thuyết đã được thiết lập cho thấy rằng mức độ truyền dẫn thần kinh thấp (tế bào não sử dụng truyền dẫn thần kinh để gởi tín hiệu cho nhau) có thể là nguyên nhân gây trầm cảm.

Một số nhà khoa học khác lại cho ra bệnh trầm cảm mới là tác nhân gây ra việc truyền dẫn thần kinh thấp chứ không phải ngược lại. Mối quan hệ này thậm chí có thể diễn ra ở cả hai cách.

DI TRUYỀN

Các nhà nghiên cứu cho cho rằng những người có thành viên gia đình bị trầm cảm nhiều khả năng sẽ bị di truyền. Nhưng có tiền sử gia đình không có nghĩa là bạn cũng sẽ trải qua trầm cảm trong cuộc đời của mình. Vẫn còn nhiều yếu tố khác để xem xét khuynh hướng di truyền dẫn đến bệnh trầm cảm.

Một nghiên cứu lớn trên bộ gen được công bố trên Tạp chí Tâm thần học Hoa Kỳ năm 2019 cho thấy: những người có yếu tố di truyền với trầm cảm có nguy cơ tự tử cao hơn do chứng rối loạn tâm thần.

BỆNH MÃN TÍNH VÀ CÁC CĂN BỆNH KHÁC

Trầm cảm phổ biến hơn ở những người mắc các bệnh mãn tính như: đa xơ cứng, tiểu đường type 2 và chứng đau nửa đầu. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các tình trạng bệnh mãn tính có thể gây ra những thay đổi sinh hóa dẫn đến các triệu chứng của bệnh trầm cảm.

Một người bị bệnh mãn tính có thể bị trầm cảm do tình trạng bệnh nền của họ, đặc biệt là khi đang phải đối mặt với điều kiện thể chất đi xuống, hạn chế các hoạt động hằng ngày, chịu đựng các cơn đau kéo dài hoặc tệ hơn là tử vong.

NỘI TIẾT TỐ (HORMONES)

Một số thay đổi nội tiết tố cũng có thể làm tăng nguy cơ trầm cảm. Ví dụ, những thay đổi nội tiết tố liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt, mang thai, sinh con và mãn kinh đều góp phần gây trầm cảm. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính rằng khoảng 1 trong 9 phụ nữ ở đất nước này báo cáo trải qua trầm cảm sau sinh.

Tình trạng tăng nguy cơ bị trầm cảm cũng không phải là bất thường đối với những người mắc căn bệnh về tuyến giáp. Trong khi các triệu chứng trầm cảm có xu hướng phổ biến hơn ở những người có tuyến giáp hoạt động thấp (suy giáp), những người có tuyến giáp hoạt động quá mức (cường giáp) cũng có thể có vấn đề về lo lắng và trầm cảm.

Yếu tố môi trường

Các yếu tố môi trường cũng có nguy cơ gây nên bệnh trầm cảm 

CHẤN THƯƠNG VÀ LẠM DỤNG

Một trong những yếu tố gây nguy cơ trầm cảm được nghiên cứu một cách kỹ lưỡng là tổn  thương thời thơ ấu. Trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi (ACEs) được biết là làm tăng nguy cơ gây nên bệnh tâm thần và bệnh mãn tính, bao gồm cả trầm cảm. Nghiên cứu về ACEs đang được tiến hành, nhưng các nhà nghiên cứu trước đây đã xác nhận mối liên hệ chặt chẽ giữa trải nghiệm thời thơ ấu và khả năng mắc bệnh trầm cảm trong cuộc sống sau này.

CDC chia ACEs thành ba loại:

  • Lạm dụng: thể chất, tình cảm, tình dục
  • Rối loạn gia đình: bạo lực gia đình, ly hôn, sử dụng chất gây nghiện, cha mẹ có tiền sử bệnh tâm thần hay bị bắt giam.
  • Không để tâm/bỏ bê: thể chất, cảm xúc.

Trải nghiệm thời thơ ấu bất lợi (ACEs) của một cá nhân có liên quan chặt chẽ đến nguy cơ mắc bệnh tâm thần và thể chất, nghèo đói và thậm chí tử vong sớm. Rủi ro tăng lên khi có nhiều điểm bất lợi thời thơ ấu và theo thống kê, cứ một người có 4 điểm bất lợi ở thời kỳ này cho nguy cơ bị trầm cảm cao nhất.

Các nhà nghiên cứu tin rằng việc lạm dụng trẻ em có thể thay đổi thể chất cũng như thay đổi cấu trúc kết nối của bộ não.

Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chức năng nội tiết thần kinh có thể bị thay đổi ở những người trải qua mức độ căng thẳng cao khi còn nhỏ.

KHÓ KHĂN VỀ KINH TẾ

Những người sống trong nghèo đói có nguy cơ bị trầm cảm cao gấp đôi so với những người sống ở mức nghèo hoặc trung bình.

Không chỉ sống trong đói nghèo mới khiến một người có nguy cơ bị trầm cảm, mà nếu con người không thể làm việc hoặc không được tiếp cận với các dịch vụ hỗ trợ và giao tiếp xã hội, bệnh tâm thần có thể khiến họ rơi vào vòng xoáy bất lợi hơn.

Một số nghiên cứu và chương trình thí điểm đã chỉ ra rằng khi những người mắc bệnh tâm thần được hỗ trợ về mặt tài chính, các triệu chứng về trầm cảm và lo lắng được cải thiện đáng kể.

PHƠI NHIỄM MÔI TRƯỜNG

Môi trường sinh sống của một người cũng có thể có tác động đến sức khỏe tâm thần ở một số khía cạnh. Ví dụ như một số người báo cáo rằng họ bị trầm cảm trong những tháng cố định trong năm, chúng được gọi là rối loạn cảm xúc theo mùa (SAD).

Ngoài ra còn có các nghiên cứu trích dẫn việc ô nhiễm và phơi nhiễm môi trường là yếu tố góp phần gây nên trầm cảm. Chẳng hạn, một số nghiên cứu đã chỉ ra việc một người có mức độ chì cao hơn trong thời thơ ấu có khả năng gây ra sức khỏe tâm thần kém.

Trong một nghiên cứu khác, trẻ em lớn lên ở những khu vực có chất lượng không khí kém dường như có mối liên hệ với khả năng bị trầm cảm hoặc được chuẩn đoán mắc chứng rối loạn hành vi khi chúng 18 tuổi.

Môi trường sinh sống lành mạnh là một tài sản vô giá cho sức khỏe tâm thần.Sống trong điều kiện thiên nhiên trong lành có thể giúp con người đối phó với chứng trầm cảm. Trẻ dành thời gian hòa mình vào thiên nhiên có sức khỏe tâm thần tốt hơn khi chúng trưởng thành. 

Yếu tố xã hội

TÍNH CÁCH

Một số đặc điểm tính cách của một người, bao gồm: lòng tự trọng dễ bị tổn thương, bi quan, loạn thần kinh, tự kiểm điểm hay mức độ cầu toàn có liên quan đến xu hướng trầm cảm và tình trạng sức khỏe tâm thần khác, ví dụ như lo lắng hay rối loạn ăn uống.

Các nhà nghiên cứu đặc biệt quan tâm đến việc tìm hiểu về một đặc điểm tính cách có thể khiến một người ít có khả năng bị trầm cảm. Chẳng hạn như khả năng phục hồi, hoặc là những phẩm chất tương tự như khả năng “hồi phục” từ những trải nghiệm bất lợi. Đây có thể là chìa khóa để ngăn ngừa và điều trị bệnh trầm cảm.

CĂNG THẲNG VÀ XUNG ĐỘT

Một số sự kiện quan trọng trong cuộc đời – bao gồm các sự kiện tích cực như kết hôn hoặc tiêu cực như mất việc – tất cả đều có thể tạo ra căng thẳng, làm nồng độ cortisol của con người tăng lên. Một giả thuyết cho rằng nồng độ cortisol cao (đặc biệt là khi chúng tăng cao mãn tính) có thể ảnh hưởng đến mức serotonin (là một chất truyền dẫn thần kinh, giúp chuyển tiếp tín hiệu từ vùng não này sang vùng não khác).

Căng thẳng liên quan đến công việc có thể là một phần gây ra trầm cảm. Mất việc là một yếu tố gây căng thẳng rõ ràng nhưng môi trường làm việc cũng gây ảnh hưởng tương tự.

Xung đột tại nơi làm việc hoặc trường học cũng có thể gây ra ảnh hưởng trầm cảm cho một số người. Các nhà nghiên cứu ở Thụy Điển đã công bố một nghiên cứu cho thấy rằng có sự xung đột nghiệm trọng giữa các đồng nghiệp hoặc giữa nhân viên – ông chủ, những người này cảm thấy bị cô lập hoặc bị bỏ rơi tại nơi làm việc, điều này góp phần tạo nên chứng trầm cảm.

Không chỉ những người trưởng thành trải qua xung đột tại nơi làm việc, trẻ em và thanh thiếu niên vẫn có thể gặp phải những thách thức giữa các cá nhân với nhau trong khuôn viên trường học, điều này có khả năng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất trong thời gian ngắn hoặc dài hạn.

NỖI ĐAU BUỒN

Đau buồn là một quá trình có thể cảm thấy như trầm cảm, ngoài việc nó thường được đánh dấu bằng một sự kiện cụ thể.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đang thiên về việc sự mất mát này mang những phẩm chất của một tình trạng tương tự như trầm cảm lâm sàng, đặc biệt là về thời gian nó xuất hiện. Đau buồn quá mức dường như tồi tệ hơn nếu việc này xảy ra khi ai đó mất người thân một cách đột ngột, bất ngờ và đặc biệt là liên quan đến vấn đề bạo lực (chẳng hạn như tai nạn xe).

Các nghiên cứu bổ sung là điều cần thiết để chính thức xác định xem việc đau buồn quá mức là một tình trạng riêng biệt, sự đau buồn này dường như có mối quan hệ với trầm cảm và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD). Sự căng thẳng được gây ra bởi cái chết, sự mất mát lớn có thể đủ để kích hoạt chứng trầm cảm ở một người đã có xu hướng đối với tình huống tương tự này.

MẠNG XÃ HỘI

Trong khi nhiều nghiên cứu vẫn đang diễn ra, một số nghiên cứu đã chỉ ra ảnh hưởng của mạng xã hội đối với sức khỏe tâm thần, đặc biệt là với đối tượng trẻ tuổi.

Một số nghiên cứu đã xác minh rằng việc sử dụng mạng xã hội có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm và lo lắng thông qua sự bất an, so sánh, hội chứng sợ bỏ lỡ (FOMO) và vấn nạn bị bắt nạt / quấy rối trên mạng (dù cho việc trải nghiệm là trực tiếp hay trực tuyến thì việc này vẫn làm tăng nguy cơ trầm cảm suốt đời cho trẻ).

Việc lạm dụng phương tiện truyền thông xã hội cũng góp phần gây trầm cảm bằng cách giảm mức độ hoạt động thể chất và tương tác trực tiếp của một số người. 

Tuy vậy, nghiên cứu cũng cho rằng không phải việc sử dụng mạng xã hội là tiêu cực. Công nghệ, internet và mạng xã hội cũng có thể hữu ích trong việc phát hiện và quản lý việc bị trầm cảm ở một số trường hợp.

Yếu tố lối sống

SỬ DỤNG CHẤT GÂY NGHIỆN

Không có gì ngạc nhiên khi những người mắc bệnh tâm thần tự điều trị bằng ma túy và rượu. Tuy nhiên, điều quan trọng cần lưu ý là không như thuốc theo toa, các loại thuốc bất hợp pháp này cũng có thể khiến bệnh nhân trở nên chán nản hơn.

Theo dữ liệu từ Liên minh Quốc gia năm 2014 về khảo sát ma túy và sức khỏe tâm thần, 7,9 triệu người ở Mỹ đang sống chung với trầm cảm lẫn rối loạn sử dụng chất gây nghiện. Khi việc sử dụng chất gậy nghiện và trầm cảm xảy ra cùng lúc (được gọi là “chuẩn đoán kép”) có thể khó tìm ra phương án để điều trị thích hợp. Nếu có vấn đề về việc này, mọi người nên yêu cầu một đội ngũ bác sĩ và chuyên gia sức khỏe tâm thần có kinh nghiệm về rối loạn sử dụng chất gây nghiện để được hỗ trợ.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG VÀ HOẠT ĐỘNG THỂ CHẤT

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng một người trưởng thành bị trầm cảm nhẹ có thể ngăn chặn một triệu chứng trầm cảm nặng nề hơn thông qua sự kết hợp của những thay đổi trong lối sống. Chế độ ăn uống lành mạnh cũng có vai trò trong việc hạn chế phát triển chứng trầm cảm. 

Mặt khác, chế độ ăn nhiều đường và chất béo, các thực phẩm chế biến sẵn có thể thúc đẩy hoặc làm trầm trọng thêm bệnh trầm cảm. Đặc biệt là khi kết hợp với lối sống ít vận động. Mối liên hệ giữa hai việc này là có thể gây tăng cân. Việc tăng cân có thể không gây ra trầm cảm nhưng có thể liên quan đến sự khởi đầu của căn bệnh này. Ví dụ như một số cytokine có thể bị biến đổi thành glutamate và khi đối mặt với số lượng quá mức, có thể gây tổn thương hoặc giết chết tế bào. Khi vấn đề này xảy ra, nó có thể gây ra lo lắng hoặc trầm cảm.

Những lợi ích của việc tập thể dục đối với sức khỏe con người đã được biết đến rộng rãi, nhưng chúng ta đang tìm hiểu sâu hơn về việc tập thể dục có thể giúp những người bị trầm cảm kiểm soát các triệu chứng của họ. Việc tập thể dục thường xuyên và ăn uống lành mạnh không chỉ giúp mọi người kiểm soát trầm cảm mà còn có thể ngăn ngừa được bệnh này.

Kết luận

Kinh nghiệm sống chung với trầm cảm ở mỗi người là khác nhau, cũng như các yếu tố cá nhân góp phần vào sự phát triển quá trình hình thành của căn bệnh này. Bệnh trầm cảm hiện nay là phổ biến và có thể điều trị được, nhưng rõ ràng là sẽ cần đến sự kiên trì để tìm ra phương pháp điều trị an toàn và phù hợp nhất.

Làm việc với các bác sĩ và chuyên gia sức khỏe tâm thần, tìm hiểu các cách để đối phó với bệnh trầm cảm ở nơi làm việc và trường học cũng như nhận sự hỗ trợ từ gia đình và bạn bè có tầm quan trọng trong việc giúp một người bệnh sống chung với bệnh trầm cảm, cũng như những người có yếu tố phát triển tình trạng này trong cuộc đời của họ.

Nguồn: Verrywellmind.com

5/5 - (1 bình chọn)
TRƯƠNG THÁI KIỆT

TRƯƠNG THÁI KIỆT

https://thaikiet.com

thaikiet.com là nơi lưu trữ những kiến thức tổng hợp và chia sẻ cá nhân về Mạng Máy Tính, Quản Trị Hệ Thống và Bảo Mật. Với tiêu chí là cùng chia sẽ cùng thành công!

Mail: [email protected]

Bài viết cùng chuyên mục

Cuộc đời không bỏ lỡ

Cuộc đời không bỏ lỡ

Khi bạn 20 tuổi, bạn có thể mua được món đồ chơi mà năm 10 tuổi bạn không thể mua được, nhưng đã không còn cảm giác vui sướng như hồi đó nữa. Khi 30 tuổi, bạn đã đủ dũng cảm để theo đuổi cô gái mà...

Khổ tận cam lai

Khổ tận cam lai

nh Tàu có câu: KHỔ TẬN – CAM LAI. Mọi người thường hiểu là: Chịu Đắng cay cho tận cùng đi, rồi điều ngọt ngào sẽ đến thôi Thật ra không đúng vậy. Đây là phương pháp trị-nhân, nuốt-người. Làm cho...

Cuộc sống không bán vé khứ hồi

Cuộc sống không bán vé khứ hồi

1. Không có gì chắc chắn rằng bạn sẽ làm một công việc đến hết đời, hay được một người yêu mãi mãi. Trong xã hội nhiều ồn ào này, bạn phải luôn trong tâm thế sẵn sàng tiếp nhận cái mới mà không thể...

0 Comments

0 Lời bình

Gửi Lời bình

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *